Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Thơ Ý - Giosue Carducci


Giosue Carducci (27 tháng 7 năm 1835 – 16 tháng 2 năm 1907) – nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình người Ý. Ông có sự ảnh hưởng lớn và được coi là thi hào dân tộc của nước Ý hiện đại. Năm 1906, ông trở thành người Ý đầu tiên đoạt giải Nobel văn học “không chỉ là để ghi nhận kiến thức sâu sắc và trí tuệ phê bình, mà trước hêt là để ghi nhận năng lượng của sự sáng tạo, sự mới mẻ của phong cách và một sức mạnh trữ tình đã tạo nên những tuyệt phẩm thơ ca của ông”. 

Tiểu sử:
Giosue Carducci sinh ở vùng tây - bắc tỉnh Toscana, Italia. Là con trai một bác sĩ, thành viên của một tổ chức bí mật đấu tranh thành lập chính thể lập hiến nên gia đình thường xuyên phải chuyển nơi ở. Từ năm 1848, gia đình chuyển đến Firenze, Carducci mới được đến trường. Cậu bé say mê văn học cổ điển, đọc nhiều, bắt đầu viết về đề tài lịch sử, làm thơ trào phúng, dịch khúc thứ 9 trong trường ca Iliad của Homer. Năm 1853 Carducci được học bổng vào trường Đại học Pisa, học triết và văn học, kết bạn với những người đồng chí hướng thuộc nhóm Văn Đàn.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Pisa, ông làm giảng viên tại trường trung học thành phố Man-Miniato-al-Tedesco. Năm 1857 ông in tập thơ đầu tiên Thi vận, gồm những bài sonetto và ballata mang một tình cảm ái quốc sâu nặng, thiếu vắng hẳn những tình cảm ủy mị của chủ nghĩa lãng mạn. Carducci là một trong những người đứng đầu đã tập hợp quanh mình nhóm tác giả của tạp chí Phụ bản do Pietro Tuar ấn hành, coi nhiệm vụ của mình là bảo vệ nền thơ ca Italia thoát khỏi cái mà họ gọi là “ảnh hưởng nguy hại của chủ nghĩa lãng mạn”. Những năm 1857-1858 Carducci gặp nhiều khó khăn: tài chính eo hẹp, anh trai tự tử, cha mất sau đó một năm. Sang năm 1859, ông lấy vợ, năm sau nhận được chức giảng viên khoa tiếng Hy Lạp tại trường Đại học Pistoja. Còn sau vài tháng, ông trở thành giáo sư Văn học Italia tại Đại học Bologna, giữ chức trưởng khoa đến khi về hưu vào năm 1904.

Di sản thơ của Carducci không nhiều, trong bộ tuyển 30 tập chỉ có 4 tập thơ, phần còn lại là khảo luận, chuyên luận khoa học và các bài tranh luận. Các tác phẩm thơ tiêu biểu của ông là Nhẹ nhàng và nghiêm trọng (1861-1868), Thơ mới (1861-1887), Những đoản thi man dại (ba tập, 1878-1889)... Những năm cuối đời Carducci, vốn nổi tiếng là một nhà hùng biện, được coi là thi hào dân tộc Italia, trở thành thượng nghị sĩ, ủng hộ chính sách bành trướng của Italia ở châu Phi.

Ngoài sáng tác thơ, Carducci còn nổi tiếng là một nhà phê bình và nhà ngôn ngữ học. Ông là tác giả của nhiều bài viết quan trọng về Dante, Petrarca, Boccaccio… Carducci cũng là một dịch giả xuất sắc với những bản dịch thơ Goethe và Heine sang tiếng Ý.

Giosue Carducci mất ngày 16 tháng 2 năm 1907 tại Bologna, một năm sau khi nhận giải Nobel Văn học. 

Tác phẩm:
* Thi vận (Rime, 1857), thơ
* Nhẹ nhàng và nghiêm trọng (Levia gravia, 1861-1868), thơ
* Thánh ca cho quỉ Satan (Inno a Satana, 1865), thơ
* Thơ Iambơ và epodes (Giambi ed epodi, 1882), thơ
* Thơ mới (Rime nuove, 1861-1887), thơ
* Những đoản thi man dại (Delle di barbare, 1878-1882, 1889), thơ
* Nghiên cứu về những thế kỉ đầu tiên của quá trình phát triển văn học Italia (Studii su la letteratura italianna dei primi secoli), khảo luận
* Về sự phát triển nền văn học dân tộc (Dello svolgimento della letteratura nazionale, 1868-1871), phê bình
* Nghiên cứu văn học (Studi letterati, 1874), khảo luận
* Phác thảo phê bình và tranh luận văn học (Bozetti critici e discorsi letterari, 1876), phê bình
* Thi vận và tiết điệu (Rime e ritmi, 1901), thơ





Ở VÙNG TERME DI CARACALLA


Những đám mây đen bay qua Aventino, Celio

ngọn gió buồn từ đồng bằng mang hơi ẩm
đằng xa – những ngọn đồi Albani
đứng trong tuyết trắng.

Dưới màu tro của tấm khăn voan

dâng lên màu xanh, cô gái người Anh tìm trong sách
những cuộc tranh luận của thời xa lắc
và bầu trời với những viên đá thành Rôm.

Bầy quạ đen không ngừng tiếng kêu vang

quạ bay giữa trời như có vẻ
tiếng gọi của ai nghe rất dữ
và to lớn vô cùng.

Người khổng lồ cổ đại mơ tưởng, than phiền

bầy yêu tinh – với trời xanh tranh luận?
Từ Laterano nghiêm trang đổ xuống
một hồi chuông.

Kẻ lười biếng quấn vào chiếc áo choàng

miệng huýt gió, không nhìn ai hết
bây giờ ta gọi ngươi, bệnh sốt rét
ở đây, ngươi là thiên thần.

Nếu động đến ngươi giọt nước mắt tuyệt trần

và lời van xin của nhiều bà mẹ
chùi nước mắt cho bầy con trẻ
cúi mình xuống nhọc nhằn

để chạm đến Palazio vinh quang

cái bàn thờ xưa (ngọn đồi evandrio
Tebro trong buổi chiều vật vờ
khắp Campidoglio 

hoặc Aventino, rồi trở về

ngắm quảng trường dưới mặt trời đầy nắng
và hát trong im lặng
bài ca Saturino). 

Bệnh sốt rét, ngươi hãy xua đi

những kẻ mới đến với những gì nhỏ nhắn
điều khủng khiếp này, xin hãy kính trọng
thiên thần đang ngủ của thành Rôm

ở Palatino – kiêu hãnh ngẩng đầu lên

ở Aventino, Celio buông tay xuống
từ Capena đến Appia con đường lớn
giũ sạch bờ vai.
______________
* Terme di Caracalla – là một khu phức hợp giải trí công cộng gồm có nhà tắm nóng lạnh, bể bơi, phòng tập luyện, quán café… với diện tích hàng chục hécta được xây dựng ở La Mã cổ đại trong các năm 212 – 217 và mang tên của Hoàng đế Caracalla. Ngày nay, đống tro tàn của khu vực này là một điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách từ khắp nơi trên thế giới. Nhà thơ đưa ra những suy ngẫm của mình khi đứng trước thắng cảnh, điểm du lịch nổi tiếng này. 



TIẾNG KHÓC XƯA

Cây lựu lại cúi mình
Trong  khu vườn im lặng
Chiếc lá lại vui mừng
Đón nắng hè nóng bỏng.

Như bàn tay con trẻ
Tiếng khóc đã từng giăng
Lên màu chiếc lá xanh
Lên lá bừng như lửa.

Bông hoa của đời ta
Đang khô héo dần dà
Màu sắc hoa dần nhạt
Không tươi lại đâu mà.

Nghệ thuật trong đất lạnh
Nghệ thuật trong đất đen
Không cho niềm vui sướng
Cũng chẳng đánh thức tình.



 RUIT HORA

Ôi, sự cô đơn ngọt ngào trong rừng này
Và khát khao xa tiếng ồn thành phố
Cùng với ta hai bạn này của Chúa
Rượu và tình yêu, Lidia ơi.

Tiếng cười của chàng như tiếng pha lê
Ôi Lieo, chàng trẻ trung muôn thuở
Và đôi mắt Lidia lấp lánh quá
Ôi tình yêu ơi người đã lên ngôi.

Những tia nắng phía dưới gác sân nhà
Vẻ hào quang ngời lên màu đỏ thắm
Trong ly rượu này dường như rung động
Và trên sóng tóc em nữa, Lidia.

Trên mái tóc của em, Lidia
Một bông hồng tái nhợt đang dần chết
Còn trong tim một nỗi buồn bất chợt
Ngọn lửa tình yêu giờ cũng nhạt nhòa.

Tại vì sao mà biển đang nức nở
Tiếng thì thầm bí ẩn ở đằng xa?
Và bài ca gì vậy, Lidia
Bài ca mà thông biển đang hát đó?

Và những ngọn đồi ở chốn xa xa
Muốn ôm mặt trời hoàng hôn màu đỏ
Bóng lớn lên, lòng anh đây cứ ngỡ
Chúng đang chờ nụ hôn cuối, Lidia.

Dù bóng tối giờ này đà vây kín
Lieo này đang chờ đợi nụ hôn
Và anh khát khao ánh mắt của em
Nếu con ngựa mặt trời kia đổ xuống.

Giờ khắc trôi. Đôi môi hồng ánh lên
Bông hoa của hai tâm hồn đang nở
Những cánh hoa khát khao đang thầm thĩ
Em hãy giang vòng tay rộng với anh.
_________________ 
(Giờ phá hủy - Latin)
(Lieo – Nghĩa là rượu)


MÙA ĐÔNG BUỒN CHÁN


Có thể một thưở đã từng
mặt trời chiếu trên trái đất
hoa tím, hoa hồng khoe sắc
nụ cười, say đắm, nồng nàn?

Có thể một thưở đã từng

thời tuổi thanh xuân da diết
từng có vinh quang, sắc đẹp
tình yêu, đức hạnh, lòng tin?

Có thể một thưở đã từng

thời Homer, Valmiki* sống
nhưng biết làm sao so sánh
mặt trời ngày đó đã tàn. 

Còn tôi giấu trong màn sương

mùa đông chỉ còn gió rét
thế giới tro tàn đã chết
có thể ngày ấy đã từng. 
_____________
*Homer (sống vào khoảng thế kỷ VIII tr. CN) – nhà thơ Hy Lạp cổ đại, tác giả của Iliat và Odyssey. Valmiki (sống vào khoảng thế ký V – IV tr. CN) – nhà thơ Ấn Độ cổ đại, tác giả của thiên sử thi Ramayana. 



ĐÊM ĐÔNG


Về phía trước, tuyết như là ánh sáng
Lấp lánh trên đồi và trải dài ra
Xào xạc dưới chân, hơi thở của ta
Như hơi nước chạy vào trong gió thoảng. 

Tất cả lặng im. Giữa trời thanh vắng

Mây lặng ngừng, trăng như kẻ tuần tra
Bơi giữa một màu trắng đục nhạt nhòa
Dùng bóng cây thông làm nơi trú ẩn. 

Không đường nét, kinh hoàng như ý tưởng

Cái chết ước mong vây bủa quanh ta
Rồi tan ra, lơ lửng với sương mù

Và nảy sinh ý nghĩ về những sóng

Hướng trời kêu: ôi băng giá, đêm đông
Giờ trong mồ tìm đâu ra ngày tháng?


GỬI BỨC CHÂN DUNG CỦA TÔI


Xưa tôi là thế, khi mà con đường thẳng

Tuổi thanh xuân tôi hướng đến mặt trời
Như vào vách đá, những bài hát của tôi
Nghiêm khắc và như mùa xuân sôi động.
Bây giờ tất cả chỉ còn im lặng
Sương mờ phủ lên những cánh đồng hoa
Mặt đất bao trùm đêm tối nhạt nhòa
Trước mặt tôi không còn tia hy vọng
Cũng chẳng còn những mơ ước cao xa
Về vinh quang của nước Ý chúng ta
Về sự hồi sinh của những môn nghệ thuật
Giờ tất cả chỉ còn trong ký ức
Than ôi! Qua rồi những tháng ngày xanh
Chỉ cảm giác đắng cay vẫn ngự trong lòng.



TUYẾT RƠI

Từ bầu trời âm u những bông tuyết rơi chầm chậm
Âm thanh của cuộc sống từ thành phố chẳng còn nghe
Cũng chẳng còn vang lên những khúc hát tình ca
Hay tiếng của đoàn tàu, tiếng của người buôn bán. 

Từ trên tháp cao vang lên tiếng chuông chầm chậm

Nghe như tiếng thở dài của một thế giới mờ xa
Chim vỗ cánh vào cửa sổ - có phải hồn bạn bè
Đang tìm tôi, gọi tôi khi họ lang thang thơ thẩn
Bạn bè ơi (hãy lặng im, con tim ngang bướng)
Tôi sẽ về với bóng đêm, trong yên lặng nghỉ ngơi. 


Ở TRIỀN SÔNG ARNO


Không bao giờ còn thấy những ngọn đồi
Ở Tuscana, nơi tiếng hát của tôi
Được sinh ra dưới mặt trời sáng tỏ
Giữa những rừng nguyệt quế, tiếng nước reo.  

Không còn tuôn những giọt lệ bất ngờ

Tất cả ký ức giờ đây im lặng
Kể từ khi giữa tiếng cười đồng vắng
Anh trai tôi đã yên nghỉ trong mồ.

Ôi hy vọng nào giúp được cho ta!

Với sức mạnh tuổi xuân không lặp lại
Ta mơ màng không tin giờ phút cuối.

Tôi đánh mất thời gian cho trí tuệ

Mà nó nằm trong đất, tuổi hai mươi
Được phủ đầy cỏ hoa nơi mộ chí.  



TRÂU


Ta yêu mi, trâu ơi, yêu mi lắm
Sức mạnh, bình an cho trái tim ta
Mi như bức tượng đứng nhìn đồng ruộng
Tự do và tít tắp đến mờ xa.  

Mi nghiêng vai vào ách để kéo cày

Việc nặng của người mi làm cho nhẹ
Người ta thúc giục, quất roi nhưng chỉ
Thấy vẻ yên bình trong mắt mà thôi. 

Từ lỗ mũi rộng, ẩm ướt và đen

Hồn mi thở, như bài ca vui vẻ
Tiếng ọ của mi thanh thản trên đồng

Trong đôi mắt lớn – màu biển ngời lên

Sự im lặng màu xanh và dịu nhẹ  
Hiện trong tấm gương thánh thiện của mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét