Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Thơ HY LẠP CỔ - Sappho


Sappho (tiếng Hy Lạp Attic: Σαπφώ, tiếng Hy Lạp Aeolic: Ψάπφω) - là nữ nhà thơ Hy Lạp cổ đại, nổi tiếng cho đến tận ngày nay. Có thể gọi Sappho là nhà thơ nữ đầu tiên của thế giới, người làm thơ ca ngợi tình yêu giữa phụ nữ và phụ nữ. Bà sống vào khoảng 630 – 570 trước Công nguyên.


Cuộc đời và sáng tác:

Về cuộc đời và thơ ca của nữ nhà thơ huyền thoại này chủ yếu là những thông tin truyền miệng, đôi khi còn mâu thuẫn với nhau. Chúng ta chỉ biết được rằng Sappho sinh ở đảo Lesbos, thuộc nòi giống quí tộc. Lấy chồng là một người đàn ông giàu có và có một con gái nhưng cả chồng và con đều mất sớm. Ngoài ra Sappho còn có một vài mối tình với những người đàn ông khác. Tuy vậy, những người sống xung quanh Sappho đều là phụ nữ, do tập quán thời đấy, đàn ông và phụ nữ có hội riêng. Sappho đứng đầu một nhóm phụ nữ quí tộc đam mê âm nhạc và khiêu vũ. Sau đó, những kẻ ác ý bày đặt (hay thực tế như vậy?), gán cho bà tình yêu với những cô gái quí tộc và trẻ tuổi. Vì thế mà sau này có từ Lesbian – xuất phát từ tên đảo Lesbos, quê hương của Sappho – dùng để chỉ quan hệ đồng tính luyến ái giữa các phụ nữ.

Theo truyền thuyết thì Sappho làm thơ bằng tiếng Aeolic. Thơ của bà ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ, ca ngợi vẻ quyến rũ và nữ tính. Trong thơ bà có một nỗi khao khát tình yêu, đam mê và cháy bỏng. Tiếc rằng thơ của Sappho chỉ còn lại rất ít. Cũng theo truyền thuyết thì những năm cuối đời Sappho lại yêu một người đàn ông nhưng tình yêu này không được đáp lại. Sappho nhảy từ vách núi đá xuống biển tự tử là cũng vì tình yêu. Câu nói nổi tiếng được người đời truyền tụng: “Giá như cái chết là tốt đẹp thì thánh thần đã không trở thành bất tử".
  

Một số bài thơ của Sappho

GỬI NGƯỜI ĐẸP

Gần mặt trăng những ngôi sao mờ đục
Đem phủ lên gương mặt tấm khăn voan
Để trăng một mình trên mặt đất
Chiếu lên đầy đủ vẻ hào quang.


ĐỢI CHỜ

Trăng ghé vào, dải Ngân hà vụt biến
Chỉ mình em còn lại với đêm đen
Và đã trôi qua giờ hẹn…
Một mình em thiếp ngủ trên giường! 



CHỈ NGƯỜI TÌNH

Ai yêu ngựa, ai yêu lính bộ binh
Ai yêu tàu thuyền xếp thành hàng dãy
Còn tôi – trên đời này yêu hơn hết thảy
Chỉ người tình!


  

CA NGỢI NỮ THẦN APHRODITE

Trên ngai vàng là nữ thần Aphrodite bất tử
Con gái của thần Dớt, người gian dối, tôi xin:
Đừng tra tấn tôi bằng bao nhiêu thống khổ
Đừng hành hạ tâm hồn.

Người hãy đến đây với tôi, như người vẫn
Từ xa xôi đã nghe giọng nói của tôi
Hãy từ giã cung điện của cha và bước xuống
Cỗ xe mặt trời.

Xe màu vàng sẽ chở người xuống đây
Bầy chim sẻ kéo xe đi nhanh chóng
Những đôi cánh vượt tầng không lồng lộng
Giữa đất và trời.

Và người đến mau mắn, với nụ cười
Với nụ cười bất tử nở trên môi
Người hỏi điều gì làm tôi đau khổ
Gọi nữ thần trong nước mắt đầy vơi.

Điều gì bấn loạn ở trong lòng tôi
“Ai là người đang làm ngươi đau khổ
Ai là kẻ đang làm ngươi phật ý
Hở nàng Sappho của tôi?

Ai chạy đi sẽ quay về theo đuổi
Ai không nhận về rồi sẽ đem cho
Ai chưa yêu, rồi sẽ yêu mê muội
Dù muốn dù không vẫn thế thôi mà”.

Vậy thì người hãy đến ngay lúc này
Trao tự do cho tâm hồn khao khát
Để cho con tim tình yêu dâng ngập
Và hãy là người nâng đỡ cho tôi.


EM NGỠ NGƯỜI ĐÓ LÀ THÁNH THẦN

Em ngỡ người đó là thánh thần
Người đàn ông đối diện với em
Người cảm thấy vô cùng hạnh phúc
Lắng nghe thỏ thẻ giọng oanh vàng.

Và khi nghe thấy tiếng cười vang
Em ngỡ dường như sức không còn
Thấy anh là tim như ngừng đập
Và giọng của em cũng lặng ngừng.

Những lời trên môi bỗng héo hon
Cơn nóng tình yêu tỏa trong hồn
Tai ù và mắt không nhìn thấy
Dường như cơn nóng chạy khắp lưng.

Da sởn gai sau chút rùng mình
Toát mồ hôi lạnh, thấy run run
Em cảm thấy sắc màu cỏ héo
Dường như em đợi phút lâm chung.



ATTHIS*

Khi cơn gió làm lay chuyển những ý nghĩ của tôi
Giống như gió làm đung đưa trên núi những cây sồi.
Em đã đến, thật tuyệt vời, tôi từng mong em đến vậy
Sương tràn ngập cõi lòng, đam mê đang bùng cháy.

Trắng hơn dòng sữa ngọt
Mát hơn dòng nước mát
Mỏng manh hơn tấm màn
Tinh kiết hơn hoa hồng
Quí giá hơn vàng bạc
Ngọt ngào hơn lời hát.

Atthis ơi, em là cả tình yêu
Đối với tôi, em mãi là cô bé
Tác phẩm tuyệt vời của thần Vệ Nữ
Đẹp hơn tất cả, em là một ngôi sao.
_______
*Atthis (hoặc Attis) – cô gái đẹp trong thần thoại Hy Lạp, là con gái của vua Cranaus. 




TÔI MUỐN GÌ

Đêm tối đen
Con buồn ngủ vây lấy đôi mắt buồn
Bỗng một niềm đam mê thức dậy
Đốt cháy tôi và nó đang đốt cháy
Toàn thân.

Tôi muốn gì? Không biết được cho mình
Hai ý nghĩ trong lòng tôi trái ngược.
Muốn điều chi? Tự mình không biết được
Một cơn đau theo từng giọt lớn lên. 



THẦN HERMES*

Thần Hermes một hôm ghé đến
Trong giấc mơ và tôi đã hỏi thần:
“Thưa Ngài, con đã đánh mất đời con
Con không vui, không cười, không muốn hát
Sự giàu có con không hề khao khát
Nhưng đam mê vẫn cứ hạ hành con
Làm cho con chỉ còn mong được chết
Để được ngắm nhìn dòng nước Akêrông**
Và hoa sen nở trên bờ miệng vực”… 
_____________
*Hermes là một trong 12 vị thần trên đỉnh Olympus của thần thoại Hy Lạp. Hermes là thần bảo hộ cho kẻ trộm, người du lịch, các sứ thần, mục đồng và chăn nuôi, người thuyết trình, thương nghiệp, khoa học kỹ thuật, văn chương và thơ, các đơn vị đo lường, điền kinh, thể thao, sự khôn ngoan, lanh trí, và các phát minh, sáng chế, ngôn ngữ. Ngoài ra, Hermes còn là vị thần đưa, truyền tin của đỉnh Olympus và là người dẫn đường cho các linh hồn đến cửa địa ngục. Người La Mã còn gọi thần là Mercury.
**Sông Akêrông dưới Địa ngục, theo thần thoại Hy Lạp. Đây là con sông do nước mắt vua Creta tạo thành. Trong Thần Khúc của Dante con sông này đầu tiên có tên Acheronte, tiếng Hy Lạp nghĩa là đau thương, chảy quanh vùng ngục thứ nhất. Sau đó, chảy xuống thấp hơn thành đầm Stige, nghĩa là hận thù, nơi hành hình những kẻ cuồng nộ. Thấp hơn nữa thành dòng sông máu Flegetonta, nghĩa là nóng bỏng, nơi trừng phạt những kẻ bạo hành, những kẻ hại người. Tiếp tục vẫn dòng sông máu và tên Flegetonta xuyên qua khu rừng của những kẻ tự tử và trảng cát có mưa lửa. Từ đây nó tạo thành những dòng thác ầm ầm đổ vào trong tạo thành đầm Cocito, nghĩa là khóc than. Sông Lete, nghĩa là quên lãng được Dante đặt ở “ngoài vực” để cho những âm hồn đến rửa ráy sau khi đã chuộc lỗi lầm, để dòng sông sẽ cuốn đi những kỷ niệm về những điều lầm lỗi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét