Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Thơ HY LẠP - Constantine P. Cavafy


Constantine P. Cavafy còn gọi là Konstantin hoặc Konstantinos Petrou Kavafis (tiếng Hy Lạp: Κωνσταντίνος Π. Καβάφης, 29 tháng 4 năm 1863 – 29 tháng 4 năm 1933) – nhà thơ Hy Lạp.

Tiểu sử:
Constantine P. Cavafy sinh ở Alexandria, Ai Cập. Bố là một thương gia, sau khi ông mất cả gia đình sang Anh. Từ năm 1875 Cavafy quay trở về sống ở Alexandria làm báo và làm công chức. In thơ từ năm 1891 nhưng chỉ một số ít người biết. Năm 1903 in ở một tạp chí thơ Athens thì bắt đầu được giới phê bình chú ý. Sau đó in 2 tập thơ vào năm 1904 và 1910 nhưng chỉ sau khi chết mới được người đời công nhận là một nhà thơ vĩ đại của Hy Lạp.

Constantine P. Cavafy nổi tiếng ở châu Âu trước khi nổi tiếng ở Hy Lạp. Bài thơ quan trọng nhất Đợi chờ quân man rợ (Waiting for the Barbarians) được dịch sang tiếng Anh trở thành một hiện tượng. Nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 2003 John Coetzee dùng ý và lấy tên của bài thơ đặt cho một tiểu thuyết của mình. Tập thơ dịch của nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học năm 1986 Joseph Brodsky in ở Nga cũng lấy tên của bài thơ này. Cuộc đời và thơ của Cavafy trở thành nội dung xuyên suốt cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Alexandria Quartet của Lawrence Durrell. Thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc và các nhà điện ảnh dựng phim về ông. Constantine P. Cavafy có ảnh hưởng đến các nhà thơ lớn thế kỷ XX như Wystan Hugh Auden, Eugenio Montale, Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky. Ông mất vì bệnh ung thư đúng vào ngày sinh nhật 70 tuổi của mình.

Tác phẩm:
*Thơ (Ποιήματα, 1935)
*Toàn tập tác phẩm (Άπαντα Τα Ποιήματα, 2003)

Dịch sang tiếng Anh:
*The Complete Poems of Cavafy translated by Rae Dalven
*C. P. Cavafy: Collected Poems translated by Edmund Keeley and Philip Sherrard


ĐỢI CHỜ QUÂN MAN RỢ

Tại sao dân tình tụ tập ở đây?

Vì hôm nay đến đây quân man rợ

Thế tại sao nghị viện giờ đóng cửa?
Nghị viện không làm luật nữa hay sao?

Vì quân man rợ sẽ đến hôm nay
Nghị viện ra luật làm gì cho uổng?
Quân man rợ có luật riêng của chúng.

Tại sao Hoàng đế dậy từ sáng sớm
Và tại sao Hoàng đế ngoài cổng chính
Mũ áo trang nghiêm ngự trên ngai vàng?

Vì quân man rợ sẽ đến, và rằng
Hoàng đế cần tiếp chuyện tên đầu sỏ
Văn bản, giấy tờ sẽ trao cho nó
Tước vị cao sang, toàn bộ chức quyền.

Thế tại sao quan chấp chính, pháp quan
Đội mũ khăn, mặc áo choàng màu đỏ
Tại vì sao họ đeo xuyến thạch anh
Và nhẫn ngọc lấp lánh trên tay họ?
Tại sao những cây ba toong trang trí
Bằng vẻ xa hoa của bạc của vàng?

Vì quân man rợ sẽ đến, và thường
Vẻ sang trọng làm cho lòa mắt chúng.

Thế tại vì sao những nhà hùng biện
Hôm nay không diễn thuyết như mọi ngày?

Vì quân man rợ sẽ đến hôm nay
Man rợ không ưa những lời hùng biện.

Thế tại sao vẻ bồn chồn lo lắng
Hiện ra trên gương mặt mọi người dân?
Tại sao quảng trường, đường phố vắng tanh
Tất cả lo đi về nhà trú ẩn?

Và đêm buông, man rợ không thấy đến
Từ biên cương ai đó mang tin về
Rằng man rợ trên đời không còn nữa.

Làm sao bây giờ, không còn man rợ?
Dù sao, đấy là một giải pháp hay.



SỰ ĐƠN ĐIỆU

Sự đơn điệu, ngày này tiếp ngày kia
Cứ đều đều, chẳng có gì thay đổi
Điều đã xảy ra và điều sẽ tới
Những khoảnh khắc tương tự đến rồi đi.

Và như thế tháng này tiếp tháng kia
Dễ đoán ra những gì nằm phía trước
Cái ngày hôm qua đã rất tẻ nhạt
Còn ngày mai cũng sẽ chẳng khác gì.


NHỮNG GIỌNG NÓI

Những giọng nói thân thương
Của những người đã lìa trần
Hoặc của những người ta coi như đã chết.

Đôi khi chúng lại trở về trong những giấc mơ
Ta nghe trong thâm sâu những ý nghĩ của ta.

Và cùng với chúng, trong phút chốc quay về
Tiếng vọng rõ ràng của thơ ngày trước
Như tiếng nhạc trong đêm mờ dần rồi tắt.




ITHACA*

Khi bạn suy nghĩ đi về Ithaca
Hãy cầu nguyện để con đường thật dài
Con đường đầy khám phá và đầy mạo hiểm.
Những kẻ một mắt, những khổng lồ, thần biển**
Bạn không nên sợ hãi một chút nào
Họ không hiện ra trên con đường của bạn
Một khi cả thể xác lẫn linh hồn tin tưởng
Vào những nghĩ suy, tình cảm thanh cao.
Những kẻ một mắt, những khổng lồ, thần biển
Sẽ không hiện ra trước mặt bạn đâu
Một khi bạn không mang họ trong đầu
Và linh hồn bạn không bày ra trước bạn.

Hãy cầu nguyện để con đường thật dài
Hãy cầu để còn nhiều lần như thế nữa
Với bao buổi sáng mùa hè rực rỡ
Khi bạn ghé vào bến cảng chửa từng quen
Bạn hãy đến hàng của người Phê ni xiên
Và hãy mua những món hàng quí nhất
Xà cừ, san hô, gỗ mun, hổ phách
Và những hương thơm say đắm tâm hồn
Hãy làm sao để mua được nhiều hơn
Rồi sau đó hãy đi về Ai Cập
Ghé những nhà thông thái học khôn ngoan.

Hãy luôn giữ Ithaca ở trong tim
Đi đến đó với bạn là số mệnh
Đừng cố gắng để làm cho đường ngắn
Mà gắng kéo dài nó thật nhiều năm
Để ngày về, một người tóc bạc trắng
Với kiến thức  góp nhặt ở trên đường
Ithaca không còn gì cho bạn.

Ithaca cho bạn cuộc hành trình
Bởi nếu không, bạn đã chẳng lên đường
Chỉ thế thôi, mà không cho gì khác.

Và nếu bạn tìm ra Ithaca tội nghiệp
Thì đừng nghĩ rằng bạn đã bị lừa
Bạn khôn ngoan, kinh nghiệm và hiểu ra
Ý nghĩa của Ithaca như đã biết.
_______________
* Ithaca hoặc Ithaka – là một hòn đảo ở Hy Lạp. Thời cổ đại là quê hương của Odysseus.
**Theo thần thoại Hy Lạp: Poseidon – thần biển; Laistrygonians – những kẻ khổng lồ ăn thịt người; Cyclops – những kẻ khổng lồ một mắt.



NHỮNG NGỌN NẾN

Những ngày tương lai đang đứng trước ta
như một hàng nến nhỏ đang cháy sáng
một màu vàng, ấm áp và sinh động.

Những ngày đã qua ở phía sau lưng
thành một hàng nến buồn đang tàn lụi.
Những ngọn ở gần vẫn còn chút khói
chúng lạnh lùng, tan chảy và uốn cong.

Tôi không muốn nhìn, chúng làm tôi buồn
khiên tôi nhớ về ánh sáng đầu tiên.
Tôi nhìn những ngọn nến vàng phía trước.

Tôi không ngoái nhìn để mà khủng khiếp
thấy dãy màu tối kéo dài rất nhanh
và nến tắt rất nhanh được nhân lên. 


Ô CỬA SỔ

Ở đây, trong những căn phòng tối tăm này
nơi kéo dài những ngày tháng nặng nề của tôi
tôi sờ theo những bức tường để tìm ô cửa sổ.
Một ô cửa sổ sẽ là nguồn an ủi đối với tôi.
Nhưng cửa số không có. Hoặc tôi không biết 
cách để tìm nó. Mà có thể tốt nhất
là tôi không tìm ra cửa sổ. Bởi vì
biết đâu ánh sáng lại trở thành bạo lực
Ai biết được điều mới mẻ nó hiện là gì.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét