Czeslaw Milosz (30 tháng 6 năm 1911 – 14 tháng 8 năm 2004) – nhà văn, nhà thơ, dịch giả Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học 1980 “vì các sáng tác thể hiện nỗi đau khổ của con người không được bảo vệ trong một thế giới của các cuộc xung đột nghiêm trọng”. Thơ của Czeslaw Milosz đa dạng về đề tài, phong phú về trí tuệ, có một sự kết hợp giữa lý trí và trữ tình, hình ảnh cụ thể gợi cảm và sức mạnh biện chứng, sức mạnh của đạo đức và niềm tin. Thơ ông hấp thụ nét độc đáo của truyền thống Đông Âu - quê hương ông, chịu ảnh hưởng của Kitô giáo, Do Thái giáo và chủ nghĩa Mác, cũng như toàn bộ lịch sử đẫm máu của thế kỷ XX. Ông được coi là một trong những nhà thơ Ba Lan vĩ đại nhất, sánh ngang với Adam Mickiewicz.
Tiểu sử:
Czeslaw Milosz sinh ngày 30-6-1911 ở làng Szetejnie, khi đó còn thuộc Đế chế Nga, sau đó là Ba Lan, sau nữa là Liên Xô và cuối cùng là Cộng hòa Lithuania độc lập. Ký ức về tuổi thơ của nhà văn in đậm trong tiểu thuyết Thung lũng Issy. Học Đại học King Stefan Batory ở Wilno, Ba Lan (nay là Vilnius, thủ đô Lithuania), đăng những bài thơ đầu tiên trên tạp chí của trường. Năm 1933, ông xuất bản tập thơ Bài ca về thời gian bị đóng băng ( giải thưởng Hội Nhà văn Ba Lan 1943). Từ 1935, ông làm việc cho đài phát thanh Ba Lan, in tập thơ Ba mùa đông. Trong thế chiến I, ông viết thơ chống phát xít, xuất bản trường ca Thế giới: bản trường ca ngây thơ đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Sau chiến tranh Milosz hoạt động ngoại giao, làm việc ở New York, Washington. Năm 1951, vì bất đồng chính trị, ông xin tị nạn tại Pháp. Tiểu luận Trí tuệ bị cầm tù là tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của ông được Phương Tây biết đến. Năm 1952, tiểu thuyết Giành chính quyền đoạt giải thưởng Văn chương Châu Âu. Năm 1960, Milosz sang Mỹ, trở thành giáo sư Đại học California, năm 1970 nhập quốc tịch Mỹ.
Ngoài sáng tác Milosz còn dịch Kinh Thánh từ tiếng Do Thái cổ sang tiếng Ba Lan và thơ của nhiều nhà thơ Châu Mỹ.
Trong hơn 20 năm sau giải thưởng Nobel, Milosz vẫn tiếp tục sáng tác, viết thơ, tiểu luận, dịch... Ông nhận được rất nhiều giải thưởng của Ba Lan, Mỹ, là tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học (California, Viện Đại học Cơ Đốc Lublin, New York,...).
Ông mất ngày 14-8-2004 tại Krakow, hưởng thọ 93 tuổi. Sáng tác của Milosz gồm cả tiếng Ba Lan và tiếng Anh. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.
Tác phẩm:
* Bài ca về thời gian bị đóng băng (Poemat o czasie zastyglym, 1933), thơ
* Ba mùa đông (Trzy zimy, 1936), thơ.
* Thế giới: Bản trường ca ngây thơ (The world: a naive poem, 1943), trường ca
* Bài ca bất khuất (Invincible song, 1943), thơ
* Giải cứu (Rescue, 1944), thơ
* Giành chính quyền (Zdobycie wladzy, 1952), tiểu thuyết
* Trí tuệ bị cầm tù (Zniwolony umysl, 1953), tiểu luận
* Thung lũng Issy (Dolina Issy, 1955), tiểu thuyết
* Châu Âu ruột thịt (Rodzinna Europa, 1958), tự truyện
* Thành phố không tên (Miasto bez imenia, 1969), thơ
* Những điều nhìn thấy ở bờ vịnh San Francisco (Widzenia nad zatoka San Francisco, 1969), tập truyện kí.
* Lịch sử văn học Ba Lan (The history of Polish literature, 1969), sách giáo khoa.
* Mảnh đất Ulro (The land of Ulro, 1977), tiểu luận.
* Hoàng đế trên Trái Đất: quan điểm lập dị (Emperor of Earth: modes of eccentric vision), tiểu luận.
* Tiếng chuông trong mùa đông (Bells in winter, 1978), thơ.
* Sách của Job (Ksiega Hioba, 1980), bản dịch Kinh Thánh.
* Bài ca ngọc trai (Hymn of the pearl, 1982), thơ.
* Nhân chứng thơ ca (Swiadectwo poezji, 1983), thơ
* Trái Đất ngoài tầm với (Nieobjeta Ziemia, 1986), thơ
* Sử biên niên (Kroniki, 1987), thơ.
* Những tỉnh thành (Provinces, 1991), thơ.
* Bắt đầu từ phố của tôi (Zaczynajac od moich ulic, 1992), tập truyện ký
* Đối mặt trước dòng sông: Thơ Mới (Facing the river: New Poems, 1995), thơ
HAI BÀI THƠ
Hai bài thơ dưới đây mâu thuẫn với nhau. Một, phủ nhận việc đi sâu vào vấn đề mà hàng thế kỉ nay các nhà thần học, các nhà triết học quan tâm, khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới trên một hòn đảo ở vùng Caribê. Bài thứ hai, ngược lại, than phiền rằng con người tự đánh mất kí ức của mình và sống có vẻ như không có gì xảy ra, có vẻ như nỗi kinh hoàng không ẩn giấu dưới bề mặt của thiết chế xã hội.
Chỉ có tôi biết rằng sự hoà hợp với thế giới ở bài thứ nhất che giấu trong mình không ít đắng cay, còn hơn cả sự mỉa mai như ta tưởng. Còn sự xung đột với thế giới ở bài thứ hai xuất phát từ một điều rằng sự giận dữ là một nhân tố kích thích mạnh mẽ hơn những cuộc tranh luận triết học. Cứ cho là như vậy. Cả hai bài thơ đồng thời thể hiện những mâu thuẫn của tôi, bởi vì chính kiến trong những bài thơ này, ở một mức độ ngang nhau, đều thuộc về bản thân tôi.
Czeslaw Milosz.
Trò chuyện cùng Jeanne
Ta triết lý với nhau, có để làm gì đâu hở Jeanne(1)
Tốn bao nhiêu lời, tốn bao nhiêu giấy mực
Anh nói thật cùng em về sự xa cách của mình
Rằng anh không đến nỗi đắng cay vì cuộc đời này khó nhọc
Với đau đớn đời thường không tốt hơn mà cũng chẳng xấu hơn.
Cuộc tranh luận của ta kéo dài không dưới ba mươi năm
Còn bây giờ, trên đảo này, dưới bầu trời nhiệt đới
Ta chạy trốn cơn giông, phút giây dưới mặt trời sáng chói
Còn lại đây ngọc bích của màu xanh.
Ta đắm chìm vào bọt biển, bơi về chốn xa xăm
Nơi mặt trời móc vào những tàu lá chuối
Với những lá cọ trên cối xay gió vẫn còn vẫy vẫy
Và người ta đã buộc tội anh
Vì không đạt đến đỉnh cao trong nghề nghiệp của mình
Rằng không đòi hỏi cho mình như Jaspers(2) đã chỉ
Rằng đã coi thường những yêu cầu thế kỉ.
Đung đưa trên ngọn sóng, anh ngắm nhìn những đám mây.
Jeanne ạ, quả thế, anh không biết quan tâm đến sự cứu rỗi của linh hồn
Một người này có năng khiếu thì người kia cũng làm được những gì có thể
Anh xứng đáng với những gì đã xảy ra và anh đồng ý.
Anh không chơi cái trò biết điều theo lối cổ xưa
Là đặc tính của cuộc đời này, sự tồn tại của ta:
Trên bãi tắm phụ nữ cởi trần với sắc đồng trên ngực
Hoa hồng vàng, hoa huệ đỏ, hoa phong lan… và xực
Bằng đôi mắt, bờ môi, lưỡi và nước ép La prune de Cynthere
Rượu rum và nước đá, nước quả ép và nước xi-rô
Những hàng cây gốc khẳng khiu trong rừng ẩm ướt
Và em vẫn nói rằng ta đã gần cái chết
Rằng ta khổ vì hạnh phúc quá ít chốn trần gian.
Những luống đất của vườn rau có màu tím đen
Em có còn ở lại đây nhìn đất, hay là chẳng
Biển sẽ vẫn như hôm nay, thở từ trong sâu thẳm
Biển co vào, mất hút trong bao la mà vẫn tự do hơn.
Guadeloupe
_________________
(1)Jeanne Hersch – một người bạn lâu năm của Czeslaw Milosz – giáo sư triết học Đại học Geneva (Thụy Sĩ), học trò của Karl Jaspers.
(2) Karl Jaspers (1883-1969) – nhà triết học Đức, một đại diện của chủ nghĩa hiện sinh.
Bài thơ cuối thế kỷ
Một khi đều tốt đẹp
Thì biến mất khái niệm lỗi lầm
Và mặt đất đã sẵn sàng
Tiêu dùng và vui vẻ
Khắp mọi nơi, mọi chỗ
Không mơ tưởng, chẳng lòng tin.
Tôi, không hiểu tại vì sao
Đi lục tìm trong sách
Của những tiên tri, những nhà thần học
Những thi sĩ, những triết gia
Đi kiếm câu trả lời
Nhăn mặt, chau mày, thức trong đêm vắng
Rồi kêu lên mỗi buổi sáng.
Những gì hành hạ tôi
Thật vô cùng xấu hổ
Thiếu sáng suốt và tế nhị
Là thuộc tính của chuyện này
Chút nữa thì tôi xâm hại
Đến sức khoẻ của loài người.
Chỉ tiếc rằng, kí ức của tôi
Không để cho tôi yên lặng
Và trong đó có những điều sống động
Với nỗi đau của mình
Với cái chết của mình
Và với sự ngạc nhiên tư hữu.
Lấy đâu ra sự trinh trắng, hồn nhiên
ở chốn thiên đàng trên mặt đất
Để trao cho bầu trời trong sạch
Bằng sự rửa tội của nhà thờ?
Có phải chính vì thế mà
Điều này tồn tại đã từ lâu lắm?
Nói cho bậc hiền tri ngoan đạo
Câu ngụ ngôn Arập thế này
Thượng Đế từng nói trong cơn giận:
“Giá mà con người khi hối hận
Nói rằng con là kẻ lỗi lầm
Thì ta đã chẳng hề khen.
Còn ta khi mở cửa cho con
Cho kẻ nhân từ xứng đáng
- Ngài trả lời cao thượng -
Thì ta đã coi thường”.
Tôi biết hỏi ai
Về những việc làm đen tối
Những nỗi đau cùng lầm lỗi
Trong kiến trúc cuộc đời này
Nếu như không ở dưới đây
Không ở trên cao đó
Không một sức mạnh nào có thể
Mở ra nguyên nhân và hậu quả cho tôi?
Không suy nghĩ, không nhớ về
Cái chết trên cây thập ác
Dù hàng ngày đang chết
Một người duy nhất đáng yêu
Người mà lúc nào
Cũng đồng ý và cho phép
Rằng sự tồn tại trên mặt đất
Luôn cùng với đau đớn, cực hình.
Quả là enigmatical
Những điều không hiểu nổi.
Tốt nhất là lời khép lại.
Ngôn ngữ này không phải cho người
Ta chỉ có một niềm vui
Là mùa thu hoạch nho và lúa
Dù không phải cho tất cả
Sự yên lòng được trời trao.
Berkeley.
KHÔNG GIAN THỨ HAI
Chốn thiên đàng tĩnh lặng biết bao
ta cần lên chốn đó
theo những bậc thang không khí.
Trên những đám mây cao
không có gì cản trở.
Hồn lìa khỏi xác
và hồn rảo bước chân
hồn ra đi, hãy nhớ rằng
có trên trời và dưới đất.
Chẳng lẽ lại là sự thật
rằng ta không tin vào không gian thứ hai?
Và đã biến mất đâu rồi
cả thiên đàng, địa ngục?
Thiếu những đồng cỏ êm đềm chốn ấy
thì sự giải thoát ta biết tìm đâu?
Và sẽ nương náu chốn nào
những tâm hồn lầm lỗi?
Ta khóc về sự mất mát
ta rắc tro lên mặt
những mái tóc ta xoã rối bời.
Ta nài nỉ, ta thì thào khoan nhặt
xin trả ta về không gian thứ hai.
HÃY QUÊN
Anh hãy quên bao đau khổ
Mà anh gây ra cho mình
Và hãy quên bao đau khổ
Người khác gây ra cho anh.
Dòng nước trôi nhanh, trôi nhanh
Mùa xuân ánh lên rồi lụi
Trên đất rồi sẽ lãng quên.
Anh nghe bài hát xa xăm
Và hỏi ai người hát vậy?
Mặt trời tuổi thơ thức dậy
Cháu chắt, chút chít cứ sinh
Bây giờ nắm tay anh đấy.
Tên những dòng sông còn lại
Làm sao dòng sông dài mãi
Đồng ruộng của anh bỏ hoang
Tháp lầu thảy đều hư không
Anh đứng trên ghềnh tê tái.
Ý NGHĨA
- Khi chết đi, ta sẽ nhìn thấy bên kia thế giới.
Phía khác, sau hoàng hôn, chim chóc, đồi núi
Sẽ đọc ra ý nghĩa thực sự mà ta quan tâm.
Những gì chưa từng gặp gỡ rồi sẽ đoàn viên
Điều không thể hiểu sẽ rõ ràng và thấu hiểu.
- Còn nếu như không có bên kia thế giới?
Nếu con chim đậu trên cành không là dấu hiệu
Mà chỉ là con chim trên cành, nếu ngày và đêm
Chỉ nối đuôi nhau mà ý nghĩa chẳng quan tâm
Và không có gì trên trần ngoài đất đai như vậy?
Mà nếu thế, thì dù sao, vẫn còn lời ở lại
Lời một lần thức dậy từ đôi môi của người trần
Chạy và chạy, làm kẻ đưa tin không mệt mỏi
Giữa các vì sao, giữa vũ trụ xoay vần
Lời kêu gọi, lời thét lên và lời phản đối.
NHỮNG TIA NẮNG SÁNG NGỜI
Phía khác, sau hoàng hôn, chim chóc, đồi núi
Sẽ đọc ra ý nghĩa thực sự mà ta quan tâm.
Những gì chưa từng gặp gỡ rồi sẽ đoàn viên
Điều không thể hiểu sẽ rõ ràng và thấu hiểu.
- Còn nếu như không có bên kia thế giới?
Nếu con chim đậu trên cành không là dấu hiệu
Mà chỉ là con chim trên cành, nếu ngày và đêm
Chỉ nối đuôi nhau mà ý nghĩa chẳng quan tâm
Và không có gì trên trần ngoài đất đai như vậy?
Mà nếu thế, thì dù sao, vẫn còn lời ở lại
Lời một lần thức dậy từ đôi môi của người trần
Chạy và chạy, làm kẻ đưa tin không mệt mỏi
Giữa các vì sao, giữa vũ trụ xoay vần
Lời kêu gọi, lời thét lên và lời phản đối.
NHỮNG TIA NẮNG SÁNG NGỜI
Những tia nắng sáng ngời
Giọt sương trời tinh khiết
Hãy giúp người khao khát
Hiểu ý nghĩa cuộc đời.
Sau bức màn ngăn cách
Ai hiểu được đời đâu
Khi còn sống, vò đầu
Hạnh phúc – không hạnh phúc.
Nhưng đến ngày biết hết
Ly biệt sẽ phai màu
Nơi ấy sẽ gặp nhau
Linh hồn và thể xác.
CON CHÓ BÊN ĐƯỜNG*
Sự hạn chế
Nhận thức của tôi chỉ nhỏ bé, trí tuệ cũng ngắn ngủi thôi. Tôi đã cố gắng như tôi đã có thể, để học, để đọc rất nhiều sách – và không có gì. Sách trong nhà tôi đổ xô ra cả bên ngoài các kệ, sách nằm thành đống trên ghế, trên sàn nhà, sách để lộn xộn ở các lối đi. Tất nhiên là tôi không thể đọc hết tất cả số đó, mặc dù đôi mắt sói của tôi vẫn háo hức những tên sách mới. Tuy nhiên, để được chính xác, để cái cảm giác về sự giới hạn của mình không phải là một cái gì đó thường xuyên, mà nó chỉ phát sinh bất cứ lúc nào một cách bột phát – nhận thức về sự chật hẹp của trí tưởng tượng của chúng ta, như thể hộp sọ của ta là quá dày nên nó không cho phép trí tuệ nắm bắt tất cả những gì mà nó được phép. Tôi có nghĩa vụ phải biết tất cả những gì đang xảy ra bây giờ, cùng lúc ở những nơi khác nhau của Trái đất, tôi có nghĩa vụ phải thâm nhập vào ý thức của những người đương thời và những người đã sống nhiều thế hệ trước đây, cũng như những người đã sống hai ngàn năm và tám ngàn năm trước. Tôi có nghĩa vụ, thế cái gì và từ đâu?
Không kiểm soát được
Anh ta không thể kiểm soát được những ý nghĩ của mình. Chúng lang thang nơi nào muốn, và khi để ý quan sát chúng, anh ta cảm thấy khủng khiếp. Bởi vì chúng không phải là những ý nghĩ tốt, và đem ra xem xét thì thấy sự tàn nhẫn bên trong. Anh ta nghĩ rằng thế giới quá nhiều đau khổ, và con người xứng đáng với điều đó để chấm dứt sự tồn tại của mình. Tuy nhiên, anh ta nghi ngờ rằng sự tàn nhẫn từ trí tưởng tượng của mình và sự thúc đẩy cho sáng tạo bằng cách nào đó có một sự liên quan.
Ở vị trí Đấng sáng tạo
Nếu bạn được trao quyền để tạo ra thế giới một lần nữa, bạn sẽ suy nghĩ và suy nghĩ, rồi cuối cùng bạn đi đến kết luận rằng không thể phát minh ra bất cứ điều gì tốt hơn so với những gì đang tồn tại. Hãy ngồi trong một quán cà phê và bạn hãy nhìn những người đàn ông và phụ nữ đi ngang qua. Hãy đồng ý là, đấy có thể là những sáng tạo không phải vật chất, không phụ thuộc vào thời gian, bệnh tật và cái chết. Nhưng chính sự phong phú vô hạn, sự phức tạp, sự đa dạng của sự vật ở trần gian xuất phát từ những mâu thuẫn mà nó chứa đựng. Lý trí sẽ không có được sự hấp dẫn nếu nó không phải là tất cả những gì gợi nhớ đến sự gắn bó với vật chất của nó: những cuộc thảm sát, những bệnh viện, nghĩa trang, những bộ phim khiêu dâm. Và ngược lại, nhu cầu sinh lý sẽ bị bản năng động vật làm chủ, nếu như không có lý trí cai quản. Và dây dẫn của ý thức, sự trớ trêu không thể thực hành trò tiêu khiển yêu thích của mình – khi nhìn vào cơ thể. Dường như Đấng sáng tạo, tính đến những mô típ đạo đức mà con người vốn nghi ngờ, đã căn cứ trước hết vào sự mong muốn để cho mọi thứ trở nên vui vẻ và thú vị hơn.
Thay vì
Anh ta ngưỡng mộ và ghen tị, nhưng không ai trong số những người như anh ta đã hiến mình cho nghệ thuật. Đi bên cạnh anh ta trên mặt đất là những người thực sự vĩ đại, bằng sức mạnh của lòng thương xót, lòng từ bi và tình yêu, những nhân vật thánh thần. Họ đã có những gì mà anh ta thiếu nhất, và thiếu những gì mà anh ta giống như những nghệ sĩ - đồng chí của mình. Bởi vì nghệ thuật, như anh ta biết, đòi hỏi một sự dâng hiến hết mình, và than ôi, trao mình vào cảnh nô lệ của cái tôi. Tìm thấy trong mình sự ích kỷ của trẻ con, anh ta an ủi mình với ý nghĩ rằng đó không phải là ngoại lệ trong nghề nghiệp của mình nhưng chúng mang sự khiếm khuyết của lòng nhân đạo.
Nếu tôi được sinh ra như vậy, rằng đã uổng công đi tìm sự khổ luyện và giải thoát, - anh ta nói - thì cứ để cho công việc của tôi sẽ chuộc lại yếu điểm của tôi, để được tôn vinh ở những người có tâm hồn cao thượng.
Vì sao xấu hổ?
Thơ ca – đó là công việc đáng xấu hổ, bởi vì nó quá gần với những công việc mà người ta gọi là tâm tình và thân mật. Thơ không thể tách rời khỏi sự nhận thức của cơ thể chúng ta. Thơ bay trên sự nhận thức, thơ là phi vật chất nhưng đồng thời gắn liền với nó và là nguyên nhân của sự xấu hổ, bởi vì nó cho thấy nó thuộc về một lĩnh vực rất riêng, lĩnh vực tinh thần.Tôi đã xấu hổ rằng tôi là một nhà thơ, như thể lột mình trước đám đông, phô diễn công khai những khiếm khuyết của cơ thể. Tôi ghen tị với những người không làm thơ và với những người, vì thế, được gọi là bình thường, tuy nhiên, tôi cũng đã sai, vì danh hiệu này chỉ xứng đáng với một số người.
Sự khiếm khuyết
Thơ ca và những bộ môn nghệ thuật khác là một sự khiếm khuyết và chúng nhắc cho xã hội loài người rằng tất cả chúng ta đều bệnh tật, mặc dù thật khó để chúng ta thừa nhận điều này.
Tính trẻ con
Nhà thơ là một đứa trẻ giữa những người lớn. Anh ta nhận thức được sự trẻ con của mình và luôn luôn tìm cách tham gia vào các hành động cũng như thói quen của người lớn.
Khuyết điểm: sự nhận thức của trẻ con ở trong mình. Đó là những sinh linh đầy vẻ ngây thơ và cảm xúc, liên tục bị đe dọa bởi những tiếng cười từ những người trưởng thành.
Ca ngợi các vị thần và nhân vật
Sự khác biệt giữa những bài thơ mà tôi kể về bản thân mình và những bài thơ ca ngợi các vị thần và những nhân vật là không lớn, bởi vì trong cả hai trường hợp đối tượng của sự mô tả là những quái vật thần thoại. Tuy nhiên ...
Sự ác cảm
Sự ác cảm đối với những lời ba hoa về hình thức thơ và những lý thuyết thẩm mỹ hoặc về bất cứ điều gì khép tất cả chúng ta trong một vai trò là do xuất phát từ sự xấu hổ, có nghĩa là tôi không muốn bình tĩnh chấp nhận bản án, lên án tôi là một nhà thơ.
Tôi ghen tị với Julian Przyboś(1): bằng cách nào mà ông biết cách thích ứng với cái vỏ nhà thơ? Điều này có nghĩa rằng ông không tìm thấy trong mình một sự khiếm khuyết, một mớ bóng tối, sự rụt rè không có khả năng tự vệ, hoặc ông tin chắc rằng không có bất cứ điều gì như thế bị rò rỉ ra ngoài?
Trường phái Alexandria
Thời trẻ, bằng cách nào đó, tôi đã bị thuyết phục rằng “trường phái Alexandria” có nghĩa là sự suy yếu của xung lực sáng tạo và sự nhân lên của những bài bình luận về các tác phẩm vĩ đại của quá khứ. Bây giờ tôi không biết điều đó là sự thật hay không, nhưng tôi đã sống đến cái thời mà lời không còn tương đồng với đồ vật, chẳng hạn như cây, mà chỉ với văn bản về cây… và vân vân. “Trường phái Alexandria” có nghĩa là “sự suy đồi”. Rồi sau một thời gian dài những trò chơi này bị quên lãng, nhưng biết làm sao bây giờ với cái thời đại mà không có gì có thể quên được?
Bảo tàng, hình ảnh, bản sao, phim tài liệu lưu trữ. Và ở giữa sự phong phú này có những cá nhân riêng lẻ, những người không nhận thức được rằng xung quanh họ có một bộ nhớ chung đang bao vây và tấn công đầu óc nhỏ bé của họ.
Giá như tôi đã viết nhật ký
Giá như tôi đã viết nhật ký, chẳng hạn như Zofia Nałkowska và Maria Dąbrowska(2) thì đã có cớ để mà ngạc nhiên, bởi vì không có gì nói về hình ảnh của tôi đã được hình thành trong con mắt của độc giả. Những dằn vặt nội tâm của tôi có vẻ không lành mạnh (mà quả là như thế), nhưng đồng thời, sự tương phản giữa chúng và sự làm việc không biết mệt mỏi của tôi chắc chắn sẽ giành được sự tôn trọng. Tuy nhiên, tôi không muốn viết cuốn nhật ký như thế, có nghĩa là, tôi không muốn tiết lộ. Vì rằng, xét cho cùng, điều này sẽ đem lại lợi ích cho ai, ngoài những nhà nghiên cứu lịch sử văn học?
Cao thượng và thấp hèn
Có nhiều thứ xuất phát từ cặp phạm trù: cao thượng – thấp hèn. Nhà thơ viết ra cho những người ngang hàng với mình, anh ta có vẻ như phân chia ra tác giả và độc giả hoặc thính giả, mà người này – là một người lý tưởng, có nghĩa là phải hiểu và biết như chính tác giả. Rất tiếc, những độc giả lý tưởng như vậy có rất ít. Nhận thức được dựa chủ yếu vào sự đọc sai, mà các học giả và các nhà phê bình dựa trên sự đọc sai rồi xây dựng các lý thuyết của họ. Sự hiểu lầm nguy hiểm xảy ra khi một trí tuệ cao hơn, tỏ ra khiêm nhường, đến với một trí tuệ thấp kém hơn và đối xử với họ như những kẻ ngang hàng. Có một loại tầm thường hóa dẫn đến sự biến dạng đã chỉ ra rằng điều tương tự đã xảy ra như thế.
Nhà thơ Ba Lan
Nhà thơ Ba Lan phải nỗ lực rất lớn để vượt qua tất cả những gì đã buộc chặt trong ngôn ngữ của mình, di sản của sự lo lắng cho số phận của một đất nước nằm kẹt giữa hai cường quốc. Và điều này làm cho anh ta khác với các nhà thơ của những ngôn ngữ hạnh phúc hơn.
Nhà thơ người Kurd hoàn toàn quan tâm đến số phận của người Kurd. Đối với nhà thơ Mỹ thì không có khái niệm về “số phận của người Mỹ”. Nhà thơ Ba Lan luôn ở giữa.
Chẳng phải từ sự xung đột của hai xu hướng đối lập với nhau mà đưa ra sự đặc thù của thơ Ba Lan? Sự đặc thù này in dấu trong thơ, bề ngoài không có gì chung với lịch sử, như trong thơ tình của Anna Świrszczyńska(3).
Sự giải thoát
Sự giải thoát đầy đủ khỏi sức hút của tính địa phương là mô phỏng, bắt chước quan điểm của người khác.
Sự chưng cất
Lo lắng, buồn bã, hối hận, lương tâm cắn rứt, xấu hổ, lo âu, trầm cảm – từ những điều này toát ra thứ thơ rõ ràng, cô đọng, đầy đủ, gần như là cổ điển. Và ai có thể hiểu được điều đó?
Chỉ cần đừng giấu diếm. Bởi vì dù ai có giả vờ rằng mặt tối này không có trong anh ta thì sẽ chịu sự trả thù của hơi nước.
Chẳng lẽ
Không có thể có gì tốt hơn để nói lời tạm biệt với cuộc sống quá khứ của mình bằng một bài bình luận một số bài thơ.
Cá nhân
Sự phát hiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là khi chúng ta nói “tôi” và nói với ngôi thứ nhất, điều đó không nhiều hơn là một thủ pháp nghệ thuật. Khi nhà thơ nọ thừa nhận rằng anh ta phát biểu bằng tác phẩm thơ thì không phải anh ta tự mình mà là cá nhân do anh ta tạo nên, anh ta làm tăng sự can đảm và vượt qua sự cắn rứt lương tâm, kiềm chế sự dối trá của mình. Anh ta ngắt quãng những cảm xúc của mình và kết hợp chúng lại với nhau theo cách để viết một aria, mà chỉ một phần của nhân vật giống với mình.
Mục tiêu
Ở một bên – sự rõ ràng, sự tin cậy, lòng tin, vẻ đẹp của đất đai, khả năng của con người với sự nhiệt tình; một bên khác – bóng tối, tuyệt vọng, hoài nghi, sự tàn bạo của đất đai, khả năng của con người với cái ác. Khi tôi viết, sự thật là bên thứ nhất, khi không viết – bên thứ hai. Chẳng lẽ tôi phải viết để được cứu khỏi sự sụp đổ? Trong sự khẳng định này không có nhiều triết lý, nhưng nó đã được kiểm tra bằng thực nghiệm.
Câu chuyện
Câu chuyện cần quyến rũ, bao quát và xúc động. Nếu không xúc động, nghĩa là, chưa chạm đến tính chất vốn có của câu chuyện. Về bản chất, tình cảm và kịch tính giống như một câu chuyện cổ tích, những thứ mà người ta bắt đầu quên khi chịu gánh nặng của một loạt các tình huống.
Rửa sạch
Vào cuối đời nhà thơ nghĩ: “Trong những con sóng ám ảnh nào và trong những điều vô lý điên rồ nào của thời đại mình mà tôi đã không bị chết chìm! Thử kéo tôi vào phòng tắm và chà cả ngày lẫn đêm một khi tất cả các bụi bẩn trên người tôi chưa sạch. Tuy nhiên chỉ vì những bụi bẩn này mà tôi có thể trở thành một nhà thơ của thế kỷ XX, và có lẽ thần Pan muốn điều này, để có được lợi ích gì đấy từ tôi”.
Nhà văn Ba Lan
Nhà văn Ba Lan có một phương thuốc mạnh mẽ cho sự cô đơn, đấy là sự tham gia vào công việc chung, việc này vẫn tiếp tục trong nhiều thế kỷ. Nó gần giống như một sự giao tiếp vật lý với tất cả những gì được viết và được nghĩ ra bằng tiếng Ba Lan, bây giờ, có nghĩa là tại điểm mà quá khứ và tương lai đang gặp nhau. Ai đang bị đánh mất điều này thì hãy cố gắng để không phải cô đơn, vì rằng sự cô đơn khi đó sẽ khủng khiếp hơn.
Tôi đã thấy
Tôi đã từng và tôi đang nhận biết, bởi vì tôi đã thấy. Xung quanh tôi là những người được sinh ra muộn hơn, nhưng tôi luôn ngỡ rằng – họ có ít nhất một cái gì đó, nhưng cần phải biết về nó. Trong thực tế, họ không biết bất cứ điều gì, nhưng nếu – thì từ thứ năm đến thứ mười. Cũng tương tự với các chi tiết về tiểu sử của tôi và những cuốn sách mà tôi đã viết. Chúng ta thường tự cao rằng những người khác để ý điều này và họ cần đến nó. Một cái gì đó họ nghe thấy, nhưng mơ hồ, không xác định rõ. Một cuốn sách nào đó đã đến tay họ, và theo đó, họ phán xét về những người khác.
85 tuổi
Lễ kỷ niệm này của tôi, những bông hoa này, những tràng pháo tay này, những nâng cốc chúc mừng này. Giá như người ta biết rằng tôi đang nghĩ gì ... Nó giống như sự cân nhắc lạnh lùng về cái được và mất. Mất là những lời sai lầm đã đi ra khỏi ngòi bút của tôi, và không quay trở lại, bởi vì chúng đã được in và sẽ ở lại mãi mãi, nhưng chúng sẽ hấp dẫn hơn đối với mọi người, và người ta sẽ lặp lại chúng thường xuyên hơn. Vì vậy, tôi tự hỏi mình, có nên viết một số điều thực sự tốt chỉ có thể được trả bằng không chỉ một cuộc sống xiêu vẹo, chẳng hạn như là của tôi, mà còn những thứ đồ bỏ được vất đầy trên con đường đi đến một cặp biểu tượng hoàn toàn sạch.
Ngược lại
Sinh nhật lần thứ tám mươi lăm, tôi cảm thấy quá đủ đầy với vinh quang và danh dự. Và mọi lúc dường như lắng nghe bằng tai trong về một bản án đã được sắp đặt. Chắc là như thế, giống như thời trẻ tôi đã từng linh cảm điều này. Và còn sự nhận thức về món quà không xứng đáng. Ở đây là chuyện ba hoa phù phiếm, và tôi đi đến ngai vàng của vị Thẩm phán với linh hồn tội lỗi của tôi.
Khao khát sự thật
Sự khao khát sự thật đụng phải thơ và truyện, và khi đó cảm thấy xấu hổ, bởi vì tất cả điều này chỉ là huyền thoại – điếu này chưa từng có và chưa từng cảm thấy. Đấy là ngôn ngữ đã gỡ ra tấm vải nhung của mình để che đậy cái mà tự thân đã chẳng có giá trị gì cả.
Sự phải lòng
Sự phải lòng. Tomber amoureux. To fall in love. Điều này xảy ra một cách đột ngột hay từ từ? Nếu từ từ, thì nó ở đâu, đây là “đã”? Tôi đã từng phải lòng với một con khỉ được may từ những miếng vải vụn. Với con sóc bằng gỗ dán. Với tập bản đồ thực vật. Với con chim vàng anh. Với con triết bụng trắng. Với con chồn từ bức tranh. Với cánh rừng nằm phía bên phải của con đường đi đến Jaszuny(4). Với bài thơ của một nhà thơ nào đấy. Với những con người, mà những cái tên cho đến hôm nay vẫn làm cho tôi lo lắng. Và đối tượng của sự phải lòng luôn luôn được bao bọc bằng những sự tưởng tượng của dục tình, rơi vào tình trạng như ở Stendhal, “Crystallization” (kết tinh). Thậm chí kinh hoàng, khi bạn nghĩ về sự tương phản giữa các đối tượng tự thân, không được che đậy giữa những cái không được ngụy trang, rồi kể cho mình nghe những câu chuyện ngụ ngôn về nó. Và vì thế, tôi thường xuyên phải lòng một cái gì đó hoặc một ai đó. Chỉ có điều, phải lòng không có nghĩa là có khả năng yêu. Mà chuyện này có phần hơi khác.
Sự tương phản
Do sự tương phản giữa sự yếu đuối của cơ thể và tác phẩm đã hoàn thành mà nảy sinh sự thiếu lòng tin đối với người thực hiện. “Sao lại thế này? Những cái này là tôi viết ư? Không có cách nào khác, cần phải tin vào sự tham gia của một số thế lực siêu nhiên”.
___________________
*Con chó bên đường (tiếng Ba Lan: Piesek przydrożny; tiếng Anh: Road - side dog) là một tập hợp các tiểu phẩm gồm thơ văn xuôi, cách ngôn, thiền định, các ý kiến của Czesław Miłosz viết trong các năm 1994 – 1997, xuất bản năm 1997 và ngay lập tức đã trở thành một sự kiện trong đời sống văn học của Ba Lan. Năm sau, tác phẩm này đã nhận được một giải thưởng văn học uy tín Nike-98. Chúng tôi chỉ trích dịch một số mục.
(1)Julian Przyboś (1901 – 1970) – nhà thơ, nhà văn, nhà ngoại giao Ba Lan.
(2)Zofia Nałkowska (1884 – 1954) và Maria Dąbrowska (1889 – 1965) – là hai nữ nhà văn Ba Lan.
(3)Anna Świrszczyńska (1908 – 1984) – nữ nhà thơ Ba Lan.
(4)Jaszuny – thành phố ở Litva.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét