Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Thơ THỤY ĐIỂN - Erik Axel Karlfeldt


Erik Axel Karlfeldt (20 tháng 7 năm 1864 – 8 tháng 4 năm 1931) – nhà thơ Thụy Điển được trao giải Nobel Văn học sau khi đã mất, vì khi còn sống ông từ chối, lấy cớ mình là thư ký thường trực của ủy ban giải thưởng Nobel và không nổi tiếng lắm ở nước ngoài. Karlfeldt là người đầu tiên trên thế giới từ chối nhận giải thưởng này. Cuối năm 1931, sau khi Karlfeldt mất, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Văn học cho ông bởi vì tuy không được biết đến nhiều ở nước ngoài nhưng ông được đánh giá rất cao ở Thụy Điển. Kể từ năm 1974, điều lệ của Quỹ Nobel mới quy định là không trao giải cho người đã mất. 

Tiểu sử
Erik Axel Karlfeldt sinh tại một làng quê ở Delekarlia, cha là chủ một trang trại. Thuở nhỏ ông học ở Karlbo, năm 1885 tốt nghiệp trung học, sau đó học Đại học Uppsala. Vì gia đình bị phá sản, ông phải đi dạy tư để kiếm tiền nên mãi đến năm 1902 mới tốt nghiệp đại học. Từ năm 1893 tới năm 1896 ông là thầy giáo tại các trường trung học tư thục Djursholm, trường giáo dục công dân Molkom, và có thời gian ngắn làm việc cho một tờ báo ở Stockholm; sau đó ông làm ở thư viện của Viện Hàn lâm Nông nghiệp.

Năm 1895 Karlfeldt cho ra đời tập thơ đầu tiên trong số sáu tập thơ của ông, Vildmarks- och kärleksvisor (Những bài ca về thiên nhiên hoang dã và về tình yêu); tiếp đó là Fridolins visor och andra dikter (Những bài ca của Fridolin) và đặc biệt là Fridolins lustgård och Dalmålningar på rim (Vườn hoan lạc của Fridolin), trong đó có bài thơ được coi là độc đáo nhất của Karlfeldt Dalmalningar utlagda pa rim (Bức họa của Dalmalningar), mô tả những bức tranh dân gian truyền thống lấy đề tài từ Kinh Thánh và các câu chuyện huyền thoại thường thấy trong các ngôi nhà nông dân Thụy Điển.

Năm 1904, Karlfeldt được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển. Từ năm 1905 ông là thành viên Ủy ban Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Năm 1912, ông trở thành thư ký thường trực của Ủy ban giải thưởng Nobel Văn học. Năm 1917 ông nhận bằng danh dự của Đại học Uppsala. Năm 1926 ông lấy một cô vợ trẻ hơn mình 20 tuổi, có hai con.

Thơ ông thường lấy đề tài từ thiên nhiên và đời sống nông thôn, đem lại những cảm xúc tươi vui hoặc những tình cảm sâu lắng cho người đọc. Karlfeldt làm thơ nhiều thể loại, ngôn ngữ thơ rất trau chuốt, theo phong cách cổ điển. Ông hầu như không viết văn xuôi, ngoại trừ một bản điếu văn đọc trong tang lễ nhà thơ Coustav Freding (Thụy Điển) và một bài phát biểu tại lễ trao giải Nobel cho nhà văn Mỹ Sinclair Lewis năm 1930. 

Karlfeldt mất đột ngột ngày 8 tháng 4 năm 1931. 



Tác phẩm
Vildmarks- och kärleksvisor (Những bài ca về thiên nhiên hoang dã và về tình yêu, 1895), thơ
Fridolins visor och andra dikter (Những bài ca của Fridolin, 1898), thơ
Fridolins lustgård och Dalmålningar på rim (Vườn hoan lạc của Fridolin, 1901), thơ
Flora och Pomona (Flora và Pomona, 1906), thơ
Flora och Bellona (Flora và Bellona, 1918), thơ
Hosthorn (Tiếng kèn mùa thu, 1927), thơ

Một số bài thơ




DƯỚI TRĂNG
(Sub luna)

Sub luna amo.*
Cô dâu tôi màu tối
Cháy lên dưới hoàng hôn
Như ánh trăng tỏa sáng
Như hoa tỏa mùi hương
Trong đêm hè nóng bỏng
Như giọt sương mai chuyển
Từ sáng đến mờ dần.

Sub luna bibo.**
Bia của tôi màu tối
Bọt bia sáng ngời lên
Và dường như dưới đáy
Những  nụ cười, ý nghĩ
Đọng lại thật ngẫu nhiên
Còn trên chiếc cốc vại
Bay những chiếc lá vàng.

Sub luna canto.***
Bài hát tôi màu tối
Như sóng vỗ dạt dào
Như đổ vào đâu đó
Như bay lên trời cao
Dịu êm và vội vã
Trẻ trung và xưa cũ
Cứ thế nối đuôi nhau.

Sub luna vivo.****
Cuộc đời tôi màu tối
Tẻ nhạt và tầm thường
Buồn bã hay hân hoan
Tôi đều đem chia sẻ
Khoái lạc và đau khổ
Của kiếp sống trần gian
Cho mình – tôi nhận đủ.

Sub luna morior.*****
Mộ của tôi màu tối
Liệu có chờ có đợi
Độ sâu của đại dương
Yên lặng của vĩnh hằng
Hay tro bụi mãi mãi
Như nỗi buồn tê tái
Bay thơ thẩn trên đồng.
____
*Yêu dưới trăng; **Uống dưới trăng; ***Hát dưới trăng; ****Sống dưới trăng; *****Chết dưới trăng.


THẾ GIỚI VI MÔ
(Mikrokosmos)

Tôi là đất, mát mẻ và chậm chạp
Дù trẻ trung nhưng mập mạp và cùn
Ánh sáng mùa thu chiếu giữa cõi lòng
Chiếc lá vàng cất lên lời “vĩnh biệt”.
  
Tôi là nước, giá băng và ẩm ướt
Vẻ rình rang như nước mắt mùa đông
Niềm vui mạnh mẽ nhưng cũng vội vàng
Trên những bàn có rượu và có thịt.

Tôi là không khí, nhẹ nhàng trong suốt
Mặc áo quần tươi đẹp của mùa xuân
Một năm tươi vui cùng với màu xanh
Rồi lớn lên, dù đổi thay thời tiết.

Tôi là lửa, cháy lên và khô khát
Như bầu trời dưới ánh nắng mặt trời
Và thấy ngạc nhiên vì một điều này:
Ánh mặt trời không thể nào đốt hết.


ĐẠI PHONG CẦM MÙA ĐÔNG
(Vinterorgel)

Thánh đường của người thấp và tối tăm
Trong ngày Lễ Các Thánh!
Bài thánh ca mùa hè ngừng lặng
Giữa tháp chuông.
Bầu trời đen xé tấm áo choàng
Và rừng thưa ra từng mảnh
Thánh lễ trong lời đêm vang vọng:
Tất cả đều cát bụi, phù vân. 

Nhưng rồi bình minh đã trùm màu xanh

Lên mặt đất mênh mông
Một thế giới vững bền màu trắng
Từ cát bụi, phù vân.
Băng giá buổi tối xây những mái vòm
Với cả dãy ống bạc ròng lấp lánh
Thánh đường dựng lên theo ý mùa đông
Từ phù vân, bụi bặm. 

Và bây giờ những chiếc lá lặng ngừng

Đồng cỏ bây giờ trở nên im lặng
Hoa cỏ từ lâu không còn lên tiếng
Và cây dẻ gai cũng đã héo hon.
Nhưng thông trên đồi và trong thung lũng
Vẫn vi vu hòa nhạc đại phong cầm
Đấy là Thánh Cecilia* thử giọng
Bằng những cơn bão tuyết của Giáng sinh.

Bãi cỏ bên thánh đường

Hôm nay phủ đầy hoa huệ trắng
Tiếng của kèn đồng vang vọng
Ôi, thiếu nữ hãy ngân lên
Giọng nam trầm trang trọng hãy thêm
Giờ ông vua đi lên sân thượng
Đầy run rẩy và tuyết đang rơi xuống
Từ hành lang thiên đường. 

Thần Aeolus** luôn chuẩn bị sẵn sàng

Kéo những chiếc ống bằng da thổi gió
Và chiếc hòm đựng gió cho ngày lễ
Chỉ chờ có dịp mở toang. 
Thế rồi dịp năm mới với mảnh trăng non
Phương bắc như chiếc sừng chì nặng trĩu
Theo bước chân những người Đạo sĩ
Thổi tù và của những kẻ chăn chiên. 

Hỡi đại phong cầm, ta đến thánh đường

Của người hết lần này lượt khác
Ta là người đang tìm học cách
Nghe theo tiếng của phong cầm
Học cách chọn chiều rộng mênh mông
Sự lặng ngừng và tiếng ngân đầy ắp
Đi qua mùa đông đến ngày Sa-bát***
Để tìm ra sự ngơi nghỉ cho mình. 

Trên dàn đồng ca của bóng tối phương đông

Cháy lên từng ngọn nến
Dải ngân hà như màn sương nóng bỏng
Thổi căng những cánh buồm.
Khi còn chưa ló dạng ánh bình minh
Như hơi thở của sao – nghe rõ ràng tiếng động
Kỳ diệu và trong suốt như là kính
Vang lên ở xung quanh. 

Đêm như trong thuở đa thần giáo xa xăm

Bao trùm trên mặt đất
Và chiếc hòm đựng gió mở toang
Những ngọn gió ngang tàng, gào thét
Như những cây sồi già lung lay rồi đổ gục
Như tạp âm của bão tuyết quay vòng
Như hợp âm với hợp âm
Vang lên trái ngược. 

Tôi lắng nghe trong buổi chiều tím ngát

Giữa băng giá rừng dương
Tiếng của đàn vĩ cầm réo rắt
Làm cho bóng tối lan tràn
Và tiếng bài ca Thánh lễ ngân vang
Và giọng của cây liễu vươn mình lấy sức
Và tôi nghe ra tiếng cây đàn hạc
Trong rượu của bình minh. 

Trên tuyết cứng, với bình minh hồng

Mẹ Maria đi đến
Và mẹ đem thu dọn
Váy áo với màu hoa rừng.
Và mẹ nói: “Hãy rời phong cầm
Giờ là lúc nghỉ ngơi lấy sức.
Còn dàn đồng ca sặc sỡ, đầy màu sắc
Hãy gửi về xứ của mẹ cho nhanh”. 
__________
* Cecilia (Xi-xi-li-a) – nữ thánh đồng trinh và tử vì đạo trong thế kỷ III. Giáo hội Công giáo từ thế kỷ XVI coi bà là vị Thánh quan thầy của các nhạc sĩ sáng tác nhạc.
** Aeolus – theo Homer (trong tác phẩm Odýsseia), là vị thần cai quản gió, cha của 6 con trai và 6 con gái làm nên 6 cặp vợ chồng sống hạnh phúc trong cung điện của cha mình. 
*** Ngày Sa-bát (sabbath) – ngày thứ bảy theo đạo Do thái, ngày chủ nhật theo đạo Công giáo, là ngày nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa.




BÀI CA SAU MÙA THU HOẠCH
(Sång efter skördeanden) 

Fridolin* đang nhảy múa ở đây
Trên đồng ruộng này có bình rượu ngọt
Có nước trái cây ép và có mùi lúa mạch
Có giai điệu ngọt ngào của đồng ruộng mê say. 
Chàng giữ chặt viền áo trên cánh tay
Nhảy bên cô gái có đôi mắt hờ khép
Nàng đỏ mặt, nghiêng người rồi ép sát 
Vào ngực chàng như người thuốc phiện say. 

Fridolin đang nhảy múa ở đây

Chàng say sưa nhớ về bao ký ức
Xưa ông nội, cha mình cũng từng nhảy nhót
Dưới tiếng vĩ cầm buồn – giờ đến lượt con trai.
Nhưng trong đêm nay họ đã ngủ yên rồi
Bàn tay xưa kéo đàn giờ đã không còn nữa
Cuộc sống và thời gian – chỉ tiếng xào xạc lá
Nơi có tiếng thở dài và tiếng động vui thôi.

Nhưng mà Fridolin đang nhảy ở nơi này!

Con cháu của các người mạnh mẽ và uyển chuyển
Với những người nông dân khác chàng trò chuyện
Không chỉ tiếng của mình, mà xen cả tiếng Latinh.
Lưỡi hái của chàng gặt trên đồng đất của cha ông
Chàng cũng vui mừng khi đổ lúa đầy kho đựng lúa
Khi nâng thúng lúa lên, chàng đã đùa rất vui vẻ
Với cô gái nông dân mặt ửng đỏ giống chị Hằng. 
_________________
*Fridolin - khái quát hóa hình ảnh của một người nông dân, nhân vật trong nhiều bài thơ của Karlfeldt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét