Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Thơ UKRAINA - Ivan Franko

Ivan Yakovych Franko (tiếng Ukraina: Іван Якович Франко, 27 tháng 8 năm 1856 – 28 tháng 5 năm 1916) – là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, nhà hoạt động chính trị, tác giả của tiểu thuyết trinh thám đầu tiên và thơ hiện đại trong ngôn ngữ Ukraina. Ông còn là một nhà chính trị cấp tiến, một người sáng lập phong trào xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa dân tộc miền tây Ukraina. Cùng với Taras Shevchenko, ông đã có sự tác động to lớn về tư tưởng văn học và chính trị hiện đại Ukraina. Năm 1915 tên ông được đưa vào danh sách bình chọn cho giải Nobel Văn học nhưng do ông chết trước khi Viện Hàn lâm Thụy Điển xét trao giải.

Tiểu sử:
Ivan Franko sinh tại làng Nahuievychi (tiếng Ukraina: Нагуєвичі), đông Galicia của Đế quốc Áo-Hung (nay là các tỉnh miền tây Ukraina). Bố là một thợ rèn gốc Đức, mẹ là một phụ nữ trẻ hơn bố 33 tuổi. Có tài liệu cho rằng mẹ của Franko có nguồn gốc Ba Lan, trong khi những nguồn khác lại cho rằng bà là người Ukraina. Ivan Franko học tiểu học trường làng, sau đó học tiếp trường gymnazy. Bố mất sớm, tuy nhiên, Ivan Franko được bố dượng quan tâm, tạo điều kiện cho học hành đến nơi đến chốn. Năm 1875 Ivan Franko vào học tại khoa Triết, Đại học Lviv, nơi ông nghiên cứu triết học cổ điển , ngôn ngữ Ukraina và văn học. Tại đây ông bắt đầu nghiệp văn chương của mình với các tác phẩm thơ và tiểu thuyết, được xuất bản bởi tạp chí Druh, nơi mà sau này ông tham gia ban biên tập. 

Do tham gia hoạt động cách mạng, Ivan Franko nhiều lần bị bắt giam. Ông bị cáo buộc đã tham gia một tổ chức xã hội chủ nghĩa bí mật. Tuy nhiên, thời gian trong nhà tù đã không ngăn cản các hoạt động chính trị của ông. Trong tù Franko tiếp tục viết nhiều tác phẩm. Sau khi được thả, ông nghiên cứu các tác phẩm của Karl Marx và Friedrich Engels, đóng góp bài viết cho các tờ báo Ba Lan và giúp tổ chức các nhóm công nhân ở Lviv. Năm 1878 Franko và Pavlyk thành lập tạp chí Hromads'kyi Druh (Người bạn của xã hội). Hai lần bị đóng cửa, tuy nhiên, tạp chí được tái sinh dưới tên gọi Dzvin (Chuông) và Molot (Búa). 

Năm 1890, sau khi ra tù ông cùng với Pavlik và O. Terletskii thành lập đảng Cấp tiến Ukraina - Nga , thống nhất nông dân và thợ thủ công, thành lập tạp chí Narod (Nhân dân, 1890). Trong các năm 1894 - 97 cùng với vợ Olha Khoruzhynska xuất bản tạp chí Zhittya I Slovo (Ngôn ngữ và Đời sống). Các bài báo, các bài phê bình và khoa học trong các ấn phẩm này thấm nhuần tư tưởng cách mạng và đề cao tình hữu nghị giữa các dân tộc, tố cáo mạnh mẽ giáo quyền và phản động. 

Ngoài các tác phẩm thơ, văn, phê bình của mình, ông cũng dịch các tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng thế giới như William Shakespeare, Lord Byron, Pedro Calderón de la Barca, Dante Alighieri, Victor Hugo, Adam Mickiewicz, Johann Wolfgang von Goethe và Friedrich Schiller sang tiếng Ukraina . 

Những năm cuối cùng của cuộc đời mình, Ivan Franko bị bệnh thấp khớp dẫn đến tình trạng bị tê liệt cánh tay phải. Ông đã được các con hỗ trợ để viết tác phẩm cuối của mình. Ivan Franko đã chết trong cảnh nghèo đói của thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất và được chôn cất tại nghĩa trang Lychakiv ở Lviv. Các con trai của Ivan Franko, Taras và Pyotr đều trở thành những nhà văn. 

Thơ của Ivan Franko được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tiếng Việt có bản dịch của Nguyễn Viết Thắng với khoảng 30 bài, đây cũng là những bản dịch duy nhất đến thời điểm hiện tại. 

Di sản: 
*Lấy theo tên của Ivan Franko, thành phố Stanislav ở miền tây Ukraina (trước đây là Stanisławów của Ba Lan) được đổi thành Ivano-Frankivsk và thị trấn Janov ở tỉnh Lviv được đổi thành Ivano-Frankovo.
*Tên Ivan Franko được đặt cho các đường phố, quảng trường, thư viện, nhà hát, bảo tàng không chỉ ở Ukraina mà còn ở Nga, Kazakhstan, Canada. 
*Hình của Ivan Franko được in trên tem thư của Liên Xô cũ, Romania, Ukraina và in trên tờ tiền 20 grivna của Ukraina. 



Một số bài thơ

Semper tiro* 

Đời ngắn ngủi, nghệ thuật thì vô biên
Mà sáng tạo không thể nào đo đếm
Đầu tiên chỉ như cơn say vô tình
Bạn coi đó như một trò tiêu khiển
Nhưng đam mê cứ mỗi ngày mỗi lớn
Lấy đi ước mơ, lấy cả linh hồn
Cả sức lực, và nói: “Còn ít lắm!”

Và trước thành quả của cơn mê sảng
Bạn đứng yên như trước một vị thần
Bạn làm khô máu vì sự vinh quang
Vắt nước ép thần kinh dâng lên chủ
Dâng cả đời mình làm vật hiến sinh
Làm nô lệ cho thần tượng của mình
Dù con tim thì thầm: “Ta là chủ.”

Xin đừng tin gì những tiếng thì thầm
Của nàng thơ lôi cuốn và quyến rũ
Khi đã làm chủ bạn, thì từ đó
Sẽ làm cho tâm hồn bạn hoang tàn
Đừng tin gì giai điệu vẫn vang lên:
“Ngươi sẽ là bậc thầy, là ông chủ
Là ông hoàng của hàng triệu trái tim”.

Đừng đánh lừa bản thân, đàn lia trẻ
Khi trong hồn tràn ngập những bài ca
Thì hãy trung thành phụng sự nàng thơ
Chớ huyênh hoang điều gì, đừng mộng mị
Để thơ ca như nước thánh cho đời
Hãy khiêm tốn trong đời và hãy nhớ
Nhà thơ mãi là kẻ học nghề thôi. 
________
*poeta semper tiro – nhà thơ mãi là kẻ học nghề (thành ngữ Latin).



Cô gái Digan xem bói
(Поворож мені, циганко)

“Cô gái Digan, hãy xem giùm tôi
Cô Tsora mắt đen xem bói:
Liệu tôi có sống đến ngày vui
Và ngày này bao giờ sẽ tới?”

Cô gái Digan xem bói
Lật bàn tay xem rồi nói:
“Có, sẽ có ngày vui
Sau bảy năm sẽ tới”

“Bảy năm? Chịu được thôi
Nhưng mà rồi sau nữa?”
“Rồi sau nữa, bạn ạ
Sau bạn sẽ quen thôi.” 



Anh không sợ Chúa Trời hay quỉ sứ
(Не боюсь я ні бога, ні біса)

Anh không sợ Chúa Trời hay quỉ sứ
Bởi con anh tim thanh sạch trắng trong
Và anh cũng chẳng sợ gì chó sói
Mặc dù anh không biết bắn súng trường. 

Anh không sợ những bạo chúa dữ dằn
Dù họ có binh lính và vũ khí
Anh cũng không sợ gì bao cạm bẫy
Mà lũ bất nhân đặt ở dọc đường. 

Ngay cơn giận của người đẹp mắt đen
Cũng không mảy may làm cho anh sợ
Anh yêu khi đôi má em ửng đỏ
Và đôi mắt nhìn lấp lánh dễ thương. 

Nhưng khi gương mặt kỳ diệu của em
Như đám mây, một nỗi buồn vây lấy
Hay khi cơn giận làm em run rẩy
Và đôi môi mím chặt đến vô tình.

Lời im bặt trong thanh quản của em
Đôi bàn tay buông xuôi trong đau đớn
Trong đôi mắt em không còn hy vọng
Khi em cần giúp đỡ với lời khuyên. 

Thì một nỗi sợ trong trái tim anh
Như một con ve u sầu, lạnh giá
Một nỗi đau không lời làm anh sợ
Hơn cả ác ôn, hơn tiếng sấm rền.




Không điều gì hy vọng
(Я не надіюсь нічого) 

Không điều gì hy vọng
Không điều chi mong muốn.
Cứ sống và khổ đau
Thì tại sao vẫn sống?

Đôi mắt vẫn nhìn em
Tôi không thể không nhìn
Yêu em, tôi biết giấu
Ở đâu trái tim mình?

Nụ cười như mặt trời
Tỏa sáng trên lá cây
Đôi má em ửng đỏ
Em hãy cười với tôi. 

Không điều gì hy vọng
Nhưng khát khao cháy bỏng
Ta yêu mến cuộc đời
Bởi ta – người đang sống.

Nhưng mà ta riêng biệt
Con đường do số kiếp
Gặp nhau – là tuyệt vời
Nếu không – ai sẽ khóc?



Giữa cánh đồng tuyết trắng
(Безмежнеє поле в сніжному завою)

Giữa cánh đồng tuyết trắng rộng mênh mông
Hãy cho ta tự do và ý chí
Một mình ta, chỉ con ngựa dưới quyền
Còn trong tim một cơn đau ngự trị.

Ngựa của ta trên cánh đồng trắng tuyết
Hãy phóng nhanh như ngọn gió trên đồng
Để có thể thoát cơn đau khốn kiếp
Dường như làm cho tan nát con tim.


Em ơi, đi qua đây
(Не минай з погордою) 

Em ơi, đi qua đây
Đừng cười đầy ngạo mạn
Biết đâu trong tiếng cười
Lại chẳng là số phận.

Biết đâu trong nhún nhường
Hạnh phúc đang ẩn giấu
Và nơi em coi thường
Lửa tình yêu đang cháy.

Biết đâu tiếng cười em
Ngân vang, đầy ngạo mạn
Rồi đây sẽ trở thành
Lời quở trách cay đắng. 




Con lạy Ngài, Đức Phật
(Поклін тобі, Буддо!) 

Con lạy Ngài, Đức Phật
Trong bóng tối nhân gian
Ngài diệu kỳ sáng tỏ
Ngài – thế giới lãng quên. 

Ngài tĩnh tại, trang nghiêm
Ngài vượt qua tất cả:
Tham ái và giận dữ
Và ánh sáng ngai vàng.

Vua – thành kẻ ăn xin
Tâm hồn – người giàu có
Tâm hồn này soi tỏ 
Cả thế giới nhân quần. 

Ngài từ bỏ quốc vương
Để tâm hồn hồi tỉnh
Giật bỏ hết xích xiềng
Cho chúng con soi sáng.

Ngài đã rất nhiều năm
Dưới bồ đề suy nghĩ
Để đi tìm ngọn nguồn 
Của mọi điều đau khổ.

Ngài tìm ra nguồn ngọn
Nơi tận đáy con tim
Nơi dục vọng sôi lên
Xua đi niềm hy vọng. 

Nơi sinh ra tức giận
Tình yêu cũng từ đây
Linh hồn như mạng nhện
Sân si cứ bện dày. 

Tĩnh lặng ở đâu rồi
Chỉ còn thúc và ép
Kéo vào trong luân hồi
Như trong vòng xoáy vực. 

Để tránh xa địa ngục
Ngài đã dẫn con người
Khỏi màn sương mờ đục
Ý tưởng bên kia đời. 

Chỉ xác thân bất diệt
Bởi nguyên tử bất kỳ
Sẽ vẫn còn muôn kiếp
Mà không bị mất đi. 

Còn những gì đang khóc
Đang đau khổ, cháy lên
Đều hướng về nhận thức
Sáng tạo và bay lên. 

Lửa sẽ tắt im lìm
Qua đi, như ngọn sóng
Ở trong cõi niết bàn
Sẽ tìm ra tĩnh lặng.

Con lạy Ngài, Nguồn Sáng
Từ những kẻ nghèo hèn
Đang đấu tranh tuyệt vọng
Trong mê lạc, lầm than. 

Con là người hâm mộ
Nguyện sẽ đi theo Ngài
Từ luân hồi sinh tử
Đến cực lạc bồng lai!




Tôi bây giờ không quan tâm gì hết
(Байдужісінько мені тепер) 

Tôi bây giờ không quan tâm gì hết
Đến những điều lo lắng của các anh
Đến những mối lo của những người dân
Đến ý tưởng từng một thời tha thiết
Tôi đã không cần đến sự vinh quang
Tôi đã chết. 

Với tôi dù thế gian này chết hết
Hay dửng dưng cảnh huynh đệ tương tàn
Đối với tôi không còn gì phía trước
Không điều chi tôi còn phải đi tìm
Trong tim tôi một lưỡi dao oan nghiệt
Đến muôn năm đã khép chặt linh hồn
Tôi đã chết. 

Mặc chiến thắng còn vẫy gọi các anh
Mặc hy vọng của các anh bất diệt
Nhưng niềm hy vọng của tôi đã chết
Tôi như con thuyền không có cánh buồm
Cho niềm vui đã không còn đủ sức
Cuộc đời tôi đã định bởi bề trên
Tôi đã chết.



TẠI SAO EM KHÔNG CƯỜI?
(Чому не смієшся ніколи?) 

Tại sao em không cười bao giờ cả?
Có phải vì băng giá ở trong tim
Có phải vì tâm hồn em đau khổ
Nên tiếng cười không có ở trong lòng?

Tại sao em không cười bao giờ cả?
Có thể có điều tội lỗi gì chăng
Đang đè nặng trong lương tâm của em
Và bóp nghẹt những tiếng cười vui vẻ?

Một nỗi buồn nào đó rất bí ẩn
Đang nằm trên vầng trán đẹp của em
Nụ cười em – như trong mùa thu muộn
Ánh mặt trời cười mỉm ở trong sương.



KHI KHÔNG NHÌN THẤY EM 
(Як не бачу тебе)

Khi không nhìn thấy em
Một giờ dài vô tận
Còn khi nhìn thấy em
Thì cơn đau lại đến.

Khi không nhìn thấy em
Cõi lòng anh băng giá
Còn khi nhìn thấy em
Tim cháy lên như lửa.

Để được nhìn thấy em
Thiên thần mang anh tới
Con khi nhìn thấy em
Thì khổ đau xua đuổi.

Anh chẳng có lặng yên
Gần, xa em đều vậy
Mặt đất không nhận anh
Và trời xanh cũng đuổi.


NẾU TRONG ĐÊM
(Як почуєш вночі край свойого вікна)

Nếu trong đêm em nghe sau cửa sổ
Có tiếng ai đang than thở rất buồn
Đừng lo lắng gì mà em cứ ngủ
Và đừng nhìn vào cửa sổ nghe em.

Đấy không phải đứa trẻ không còn mẹ
Cũng không vì nghèo khó kẻ ăn xin
Đấy là nỗi buồn của anh nức nở
Đấy là tiếng khóc vô vọng của tình. 


KHÔNG THỂ SỐNG
(Не можу жить, не можу згинуть) 

Không thể sống mà cũng không thể chết
Không đủ sức để vứt cũng như mang
Cái gánh nặng của những ngày chết tiệt!
Một mình tôi thơ thẩn giữa đám đông
Tôi tự mình làm cho tôi đáng ghét…
Hãy đến cho nhanh tai họa cuối cùng!

Chẳng trách gì cuộc sống, chẳng nhân gian
Chẳng tiếc gì những tháng ngày đã mất
Chẳng tiếc rằng cuộc đời trôi vô ích
Tất cả đã qua? Tất cả không còn?
Có điều gì phía trước đợi chờ chăng?
Chỉ là màn sương, chỉ là vực thẳm.
  
Không còn tin những ách và dây nhợ
Mà tôi mang trên cổ tựa con bò
Tôi đã từng hai mươi năm có lẻ
Giống đứa bé con dại dột khù khờ
Như cánh hoa mềm dập dờn trước gió
Hay sóng biển thì dấu vết còn chi?

Từng cố gắng làm việc đều phí uổng
Từng đấu tranh, từng hy vọng, ước mong
Giờ tất cả sức lực đã không còn!
Khắp nơi bóng ác lang thang thơ thẩn
Và thật vô tình một sự hoang mang
Chui vào trong tim này, như con rắn.



VĨNH BIỆT
(І ти прощай! Твого ім'я) 

Vĩnh biệt! Giờ tên em
Anh không còn nhắc đến
Không nhìn gương mặt em
Để em không biết rằng
Phương trời nào anh đến
Để chữa lành vết thương.

Hãy quên anh cho nhanh
Hãy lo dạy dỗ con
Và hãy luôn chung thủy
Và đừng đọc thơ anh
Còn những đêm không ngủ
Đừng nhìn bóng của anh. 

Người đời nhớ đến anh
Thì em đừng quan tâm
Ôi bông hoa đang héo!
Đừng tái tê, run rẩy
Hãy nói với người rằng:
“Tôi không quen người ấy!”

Xem thêm: